Người Việt đang phải 'ăn chì' hàng ngày từ những nguồn nào?

Trẻ nhỏ và bào thai bị chì tác độc mạnh hơn người trưởng thành. Các nhà khoa học cũng không thể xác định được liều nhiễm chì tối thiểu là bao nhiêu thì hoàn toàn vô hại!


Tác hại khủng khiếp của chì lên cơ thể, nhất là trẻ em

Bệnh nhiễm độc chì được phát hiện từ khoảng 2000 năm trước CN. Ở La Mã cổ đại, bệnh gút phổ biến trong giới quý tộc được coi là liên quan đến nhiễm độc chì.

Cho đến tận thế kỷ 21, nhiễm độc chì vẫn là vấn đề tiềm ẩn lớn về sức khỏe cộng đồng. Thế nhưng, vấn đề này lại chưa nhận được sự quan tâm, chú ý thích đáng của người dân cũng như các cơ quan quản lý ở nhiều nước.

Nhiễm chì trong không khí, đất nông nghiệp, nguồn nước, thực phẩm… dẫn đến bệnh nhiễm độc chì là một giá đắt mà các thế hệ tương lai có thể sẽ phải hứng chịu.

Chì phá hủy các nhóm chức thiol (SH) trong các protein, làm bất hoạt các enzyme, dẫn đến rối loạn các cơ quan và chức năng trong cơ thể, các chứng bệnh thiếu máu, suy thận, vô sinh, chậm phát triển trí lực, tính tình hung hãn…

Trẻ nhỏ và bào thai bị chì tác độc mạnh hơn người trưởng thành. Ở trẻ em, trong khoảng nhiễm chì từ 5 đến 35 microgram trên 100mL máu (5-35 mcg/dL), thì cứ mỗi 1 microgram (1 phần triệu của 1 gram) chì tăng thêm sẽ tương ứng với chỉ số IQ (chỉ số thông minh) giảm đi 2-4 điểm.

Đặc biệt, khác với những kim loại nặng khác như thủy ngân, các nhà khoa học không xác định được liều nhiễm chì tối thiểu là bao nhiêu thì hoàn toàn vô hại! [Lead poisoning, Wikipedia tiếng Anh].

Năm 2013, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) đưa ra sáng kiến tuần hành động phòng chống nhiễm độc chì nhưng chỉ có 35 nước tham gia. Việt Nam vẫn chưa tham gia chương trình này.

Vậy thì người Việt Nam chúng ta đang hàng ngày "ăn chì" từ những nguồn nào?

Chì có mặt trong 1 loại bột hóa chất màu trắng không rõ nguồn gốc, được các quán phở hám lời bất chấp sức khỏe người tiêu dùng sử dụng chúng để hầm xương nhanh hơn, nước phở ngọt hơn mà lại đỡ tiền đun nấu.

Chì cũng từng được tìm thấy trong một số loại "thảo dược", "thuốc cam", "thuốc bổ"… Ví dụ điển hình: trong vài tháng cuối năm 2011, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai tiếp nhận 130 trường hợp nhiễm độc chì như vậy thì có đến 94% là trẻ em. Báo Vietnamnet ngày 19/4/2012 đã công bố một thông tin chấn động: Kiểm tra mẫu: 98% mẫu thuốc cam chứa chì cao.

Có một "làng nghề" ở Hưng Yên chuyên thu gom pin cũ để tái chế chì. Tỷ lệ trẻ nhỏ được phát hiện nhiễm chì lên đến 97% trong đó khoảng 1/3 phải điều trị khẩn cấp. Trong số này có nhiều trẻ mà gia đình không làm nghề tái chế chì (theo Báo Người Lao Động, 21/5/2015).

Điều trị thải độc chì cho mỗi bệnh nhân cần 16 đợt, kéo dài trong 2 năm, tốn khoảng 240 triệu đồng. Nếu nhân lên con số 250 trẻ nhỏ trong làng này phải điều trị, rồi cộng thêm chi phí cho xét nghiệm đo mức chì trong máu cho hàng trăm trẻ (10 triệu đồng/ca), sẽ ra số tiền vào khoảng… 60-70 tỷ đồng.

Liệu số tiền bán chì mà làng nghề này thu được từ trước đến nay có bằng con số đó?

Nhiều năm qua, rất nhiều bài báo cảnh báo nhiễm chì trong thực phẩm, dưới đây chỉ là một số ví dụ:

- Nhiều địa phương có ô mai xí muội chứa chì và chất cấm (Sức khỏe Đời sống, 5/7/2012) và Nghệ An: Ô mai, xí muội chứa chì và chất cấm vẫn bán công khai (Sức khỏe Đời sống, 7/7/2012)

- Thận trọng hoa quả sấy khô nhập từ Trung Quốc nhiễm chì (Lao Động 7/1/2014)

- Nhiễm độc chì - cảnh báo nguy hiểm bị bỏ qua (Zing.vn, 12/1/2016)

Y học hiện nay chỉ có thể điều trị thải độc chì khỏi cơ thể, nhưng những tác hại mà chì đã gây ra cho hệ thần kinh là bất khả hồi.

Những đứa trẻ do nhiễm độc chì mà bị ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ, thì những thua thiệt của chúng trong tương lai khi bước vào đời liệu có thể quy đổi được thành tiền là bao nhiêu?

Nguồn nước, nguồn không khí, rồi đất trồng trọt trong làng bị nhiễm chì cũng sẽ dẫn đến nông sản của họ bị nhiễm chì. Nhà đất khu vực nhiễm chì chắc sẽ mất giá. Thiệt hại của cả cộng đồng sẽ là bao nhiêu?
Share on Google Plus

About Mật danh D9

0 nhận xét:

Post a Comment