7 bước giúp bạn xác định hướng đi trong tương lai

Xác định được mục tiêu, định hướng, công việc mình muốn làm sẽ giúp bạn làm chủ tương lai. Tuy nhiên, nhiều người lại băn khoăn không biết bản thân cần gì và muốn gì?


Theo Business Insider, dưới đây là 7 bước giúp bạn xác định được công việc phù hợp với bản thân:

1. Hít thở thật sâu, nghĩ mọi việc rất bình thường

Khi hoang mang, không tìm thấy định hướng trong cuộc sống, điều cần làm trước tiên là chấp nhận thực tế.

Bạn phải biết rằng, con đường thành công không bao giờ bằng phẳng. Thời gian có thể dài nhưng điều quan trọng là bạn cần có niềm tin vào hướng đi của mình.

Julia Child là đầu bếp, tác giả và nhân vật truyền hình Mỹ. Bà được công nhận như một trong những người đặt nền móng đầu tiên trong việc đưa ẩm thực Pháp đến công chúng Mỹ với cuốn sách dạy nấu ăn Mastering the Art of French Cooking và các chương trình truyền hình tiếp theo.

Tuy nhiên, bà lại không hề biết gì về nấu ăn cho đến khi 30 tuổi.

2. Xác định điểm mạnh của bản thân

Bạn hãy nghiêm túc tự đánh giá lại bản thân bằng những câu hỏi: Thế mạnh của mình là gì? Mình làm gì tốt nhất? Mình phải bổ sung, trau dồi thêm kỹ năng gì?”

Trả lời được chúng, bạn sẽ dễ dàng tìm được hướng đi, xác định mục tiêu sống cho mình.

3. Xác định môi trường làm việc hào hứng

Hãy nghiêm túc suy nghĩ về quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường, bạn thích học tại giảng đường rộng lớn hay phòng học bình thường? Bạn thích làm việc theo nhóm hay thích độc lập, tự thân hoàn thiện bài tập?

Trả lời được những câu hỏi này, bạn sẽ xác định được môi trường mình muốn làm việc.

Nếu thấy hứng thú, tiếp thu bài giảng nhanh hơn khi ngồi trên giảng đường, bạn nên chọn công ty có quy mô lớn. Ngược lại, nếu thích học trong không gian nhỏ, ấm cúng, bạn có thể chọn công ty quy mô vừa hoặc trong một nhóm của công ty lớn.

4. Tạo ra một danh sách

Trong danh sách này, hãy liệt kê tất cả yếu tố liên quan đến công việc bạn thích. Mỗi nghề sẽ phù hợp với những đặc điểm, tính cách khác nhau của từng người.

Ví dụ, bạn thích được giao tiếp với mọi người, làm việc độc lập, sống dựa vào lý trí hơn cảm xúc… thì nên chọn ngành phóng viên.

Điều thứ hai cần liệt kê trong danh sách này là yếu tố bạn quan tâm nhất khi lựa chọn việc làm: làm vì tiền lương hay đam mê, yêu thích. Xác định được điều này, bạn sẽ biết cách lựa chọn vị trí công việc phù hợp.

5. Đầu tư vào một khóa học

Thực tế cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi kỹ năng mềm họ được trang bị.

Khi bước vào nghề, một nhân viên thiếu các kỹ năng mềm như giao tiếp, bán hàng, làm việc nhóm, quản lý thời gian, thuyết trình, lập kế hoạch… là hạn chế khiến họ khó có thể hòa đồng và tồn tại lâu.

Bạn nên tham gia vào khóa học kỹ năng mới để phục vụ cho công việc

Bởi vậy, bạn nên tham gia vào khóa học kỹ năng để phục vụ cho công việc. Nếu điều kiện kinh tế không cho phép, bạn có thể đăng ký học trên các trang mạng trực tuyến miễn phí, tham gia vào cuộc hội thảo hoặc câu lạc bộ trong trường đại học.

Đi sâu vào một kỹ năng, bạn có thể xác định được công việc muốn làm.

6. Đánh giá kinh nghiệm thực tế của bản thân

Trước khi nộp hồ sơ đăng ký vào vị trí sắp ứng tuyển, bạn nên xem xét, đánh giá lại khả năng, kinh nghiệm bản thân.

Ví dụ, nếu đang quan tâm đến vị trí điều phối viên hoặc người quản lý, trước đó bạn phải từng làm công việc liên quan như bán hàng, trợ lý. Hãy xem xét quỹ đạo công việc đó để không bị bỡ ngỡ khi bắt tay vào làm.

7. Tham khảo ý kiến của mọi người

Nói chuyện, hỏi ý kiến người thân và bạn bè xung quanh là việc bạn nên làm khi đang băn khoăn không biết lựa chọn hướng đi trong tương lai.

Hãy tạo ra cuộc phỏng vấn nhỏ với những người này để biết họ thích gì, ghét gì, cách họ thành công... Từ đó, rút ra kinh nghiệm và bài học cho bản thân.
Share on Google Plus

About Mật danh D9

0 nhận xét:

Post a Comment