5 cách 'tỏa sáng' trong công việc đầu tiên tuổi đôi mươi

Sau khi ra trường, ai cũng phải đối mặt với những khó khăn khi làm việc mà chưa có kinh nghiệm. Làm cách nào để bạn khác biệt với phần còn lại?

Bạn hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt với những đồng nghiệp cùng lứa nếu ý thức được một số điểm cốt yếu

Bạn có thể va vấp ở độ tuổi 20, có thể sẽ rút tỉa kinh nghiệm, và thậm chí chấp nhận sợ hãi để trải nghiệm. Thế nhưng, công việc đầu tiên ở độ tuổi này - thường ngay sau khi ra trường, có ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp của bạn.

Lauren Berger, người sáng lập và CEO của Intern Queen, chia sẻ rằng bà đã gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận công việc đầu tiên, nhưng đã học hỏi được từ những sai lầm của mình và tiếp tục bắt đầu công ty riêng.

Trong cuốn sách thứ hai có tựa đề Welcome To The Real World (tạm dịch: Chào mừng đến với thế giới thực), Berger đã đưa ra 15 điều có thể giúp một người bắt đầu công việc đầu tiên tốt hơn phần còn lại. Sau đây là 5 điểm vắn tắt, tổng hợp từ những điều ấy:

Đừng mong muốn an nhàn

Khi bắt đầu công việc đầu tiên, bạn đang là lao động trình độ sơ cấp - thường là thế. Trong tình huống này, hãy chấp nhận làm những công việc không ai muốn làm, theo Berger. Đó là cách để bạn thử thách bản thân và gây ấn tượng. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, hãy khởi đầu từ từ và tuyệt nhiên không được có tâm lý xem thường một công việc bạn được giao.

Tìm một người cố vấn

Cũng như nhiều bài viết khác chia sẻ về cách thức thành công, bạn hãy thoải mái và thậm chí năng nổ trong việc tìm một người để hỏi ý kiến họ, nhờ họ làm cố vấn để phát triển sự nghiệp, giải quyết các vấn đề công việc. Họ sẽ không đánh giá thấp bạn, ngược lại còn nhìn thấy sự cầu tiến của bạn.

Đừng nói rằng 'tôi không biết'

Đối với những người mới bắt đầu làm việc, cụm “tôi không biết” rất hay được nghe. Để khác biệt với họ, dĩ nhiên bạn nên làm điều ngược lại: Xung phong làm và tin tưởng mình có thể giải quyết khó khăn.

Đây không phải một cách khuyến khích bạn “cứ nhận và hứa lèo”. Thông thường, người chỉ đạo trực tiếp của bạn sẽ biết năng lực của bạn tới đâu, và công việc giao phó sẽ không quá vượt xa năng lực. Thậm chí khi điều ấy xảy ra, hãy quay lại với các ý trên: Đừng mong an nhàn, và hãy luôn tìm người có kinh nghiệm cố vấn cho bạn trong công việc.

Kỷ luật

Những gì bạn thường thấy nơi người giỏi/có kinh nghiệm hay người đi trước? Họ chủ động trong công việc và có vẻ bạn sẽ luôn thấy rằng họ thoải mái trong thời gian. Đó là bởi họ đã “vào guồng”, một cách nói khác của việc giữ kỷ luật cho cả công ty lẫn bản thân.

Lời khuyên Berger là hãy giữ bàn làm việc gọn gàng, đặt lịch, ghi chú cẩn thận và tuyệt đối không quên công việc đã được giao.

Tác phong và thái độ

Khi đã đi làm, tức bước vào “thế giới thực” như quan điểm của Berger, bạn phải chú ý rằng không phải mình thích tóc tai, ăn mặc thế nào cũng được (như thời sinh viên). Ngạn ngữ phương Tây có câu “ăn bận cho công việc bạn muốn làm” là thế. Ngoài ra, cũng phải chú ý về sự chuyên nghiệp trong lúc làm việc, từ việc để ý email làm việc, đến hạn hoàn tất công việc (deadline)...

Về thái độ, chắc chắn sẽ phải là thái độ tích cực. Sự tích cực này thể hiện qua cách bạn đặt mục tiêu cho công việc của mình. Theo Berger, bạn đừng nên mong chờ một công việc “ổn định”, tức ăn lương mỗi tháng cho tới lúc về hưu. Ngoài ra, đừng bao giờ để mình rơi vào trạng thái quá hài lòng và thoải mái, vì đó là yếu tố cho thấy bạn đã hết năng lượng chiến đấu. Hãy luôn khát khao, hãy luôn khờ dại, như cách Steve Jobs đã nói vậy.
Share on Google Plus

About Mật danh D9

0 nhận xét:

Post a Comment