2 kg thịt bò ninh trong 2 tiếng đồng hồ, khi cắt ra vẫn còn đỏ nguyên màu máu. 1kg ghẹ luộc lên chuyển sang màu đen xì, bên trong chứa hỗn hợp dịch nhầy…
Điều ghê sợ là những chuyện khó tin nhưng có thật ấy lại đang xuất hiện trong bữa ăn hằng ngày của người dân Hà Tĩnh. Nhiều người không khỏi hoang mang lo lắng cho sức khỏe, tính mạng của mình và người thân trong gia đình, trước sự xuất hiện của những thực phẩm "bẩn".
Theo phản ánh của chị Nguyễn Thị T. (SN 1980), trú tại thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), giữa tháng 11/2015, chị mua 1kg ghẹ của một người bán dạo bên đường.
Khi mua chị T. thấy ghẹ đang tươi, nhưng luộc lên bỗng chuyển sang màu đen xì. Thấy bất thường, chị T. bóc ra thì phát hiện toàn bộ phần thịt ghẹ phía bên trong là một hỗn hợp bột dịch nhầy, chứ không phải từng sứa như thịt những con ghẹ bình thường. Nghi ngờ bị tiêm hoá chất, chị T. đã đổ đi chứ không dám sử dụng.
Cũng tại thị trấn Tây Sơn, chị Ngô Thị H. (SN 1990), mua 2kg thịt bò về ninh trong 2 tiếng đồng hồ, nhưng đến lúc cắt ra, thịt vẫn còn đỏ nguyên màu máu. Quá hoảng sợ, chị đã phải đổ hết phần thịt còn lại.
Thịt bò nghi ngờ bị tiêm tẩm hóa chất độc hại.
Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp phản ánh tới đường dây nóng của Báo Người Đưa Tin trong thời gian qua. Chúng tôi đã trực tiếp đi tìm hiểu thực trạng an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối trong toàn huyện miền núi Hương Sơn.
Làm việc với chúng tôi, chị H. vẫn chưa hết hoang mang: “Hôm đó, sinh nhật con nên tôi đã mua thịt bò về làm món bò rim nhừ. Nấu hơn 2 tiếng đồng hồ nhưng đến lúc cắt ra thịt vẫn còn tươi nguyên màu máu. Cả gia đình tôi chứng kiến đều rùng mình”.
Qua phản ánh của chị H. và tìm hiểu thực tế được biết, số thịt này, chị H. mua của một hộ gia đình bán tại Trung tâm thương mại Tây Sơn. Còn chủ cửa hàng này lại lấy lại từ mối ở chợ thị trấn Phố Châu (Hương Sơn).
Có mặt tại chợ thị trấn Phố Châu lúc rạng sáng, phóng viên được chứng kiến cảnh các loại xe tải vận chuyển thực phẩm từ nơi khác đến nhập lại cho các tiểu thương kinh doanh ở đây diễn ra rất nhộn nhịp.
Các loại thịt được bày bán không rõ nguồn gốc, đã được kiểm dịch, kiểm định hay chưa.
Sau vài ngày quyết tâm truy tìm “con đường đi” của những loại thực phẩm này, chúng tôi được biết, các loại thịt lợn, bò, gia cầm đang được bày bán tại chợ thị trấn Phố Châu, một số được giết mổ tại lò, số khác được chủ hàng tự giết mổ, còn phần đa là nhập từ nơi khác về, rồi bày bán. Không có cơ sở nào cũng như bất kỳ ai đảm bảo được các loại thịt đang bày bán này đã qua kiểm dịch hay chưa.
Chị Bùi Thị H., chủ một ki ốt kinh doanh các mặt hàng nông sản thản nhiên cho biết: “Chúng tôi lấy hàng từ xe tải ở ngoài Vinh (TP. Vinh, Nghệ An - PV) vào nhập chứ cũng chẳng biết họ lấy hàng từ đâu” (?!).
Còn một số tiểu thương khác như chị Hồ Thị X., chủ ki-ốt rau tại đây thì lại “nghe nói” rằng: “Ớt cay thì lấy từ Đà Lạt, bắp cải thì ở ngoài Bắc, hoa quả thì ở Vinh…”.
Điều đáng nói, tình trạng tương tự trên lại đang phổ biến tại các chợ thị đến những chợ cóc trên toàn huyện Hương Sơn và các khu vực lân cận.
Các loại rau củ quả bày bán “vô tội vạ” trong khi nguồn gốc quá mơ hồ.
Người bán vẫn thản nhiên bán, người mua “ngây thơ” mua. Thậm chí có những bà nội trợ chán nản cho biết, thời buổi thật giả lẫn lộn, không mua cũng phải mua vì không biết ăn gì là sạch, tránh gì cho khỏi bẩn.
Trước những việc trên, bà Trần Thị Loan (SN 1969), một người nội trợ sống cùng thị trấn Tây Sơn với chị H. và chị T. không che dấu được sự lo lắng: “Từ lâu, nghe đài, báo nói nhiều về thực phẩm bị tiêm hóa chất, làm nhái, làm giả... tôi đã rất e ngại khi đi chợ. Hôm trước tận mắt chứng kiến sự việc ở nhà chị T. và chị H. tôi hốt hoảng luôn. Giờ tôi cũng không biết nên mua gì về ăn nữa”.
Chuyên gia hóa thực phẩm Nguyễn Văn Quang cho rằng: Với loại thực phẩm khi nấu bị biến chất như ghẹ, hoặc thịt bò náu 2 tiếng vẫn còn đỏ máu có thể đã được ướp formaldehyde (là chất dùng trong ướp xác người). Loại hóa chất này rất độc hại, gây nguy hiểm tới sức khỏe người sử dụng, gây nhiều biến chứng khó lường. Hóa chất này tuyệt đối bị cấm sử dụng trong bảo quản thực phẩm.
Mang vấn đề này ra trao đổi với ông Phạm Thư Hồng, Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 5, chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh, ông cho biết: “Quản lý thực phẩm chưa qua chế biến thuộc chức năng của Phòng Nông Nghiệp phát triển nông thôn huyện Hương Sơn, Đội QLTT chỉ quản lý các loại thực phẩm đã qua chế biến”.
Chúng tôi tiếp tục liên hệ làm việc với Phòng Nông nghiệp PTNT, lại được giới thiệu sang Phòng Y tế với lý do Phòng Nông nghiệp không quản lý vấn đề này. Khi sang đến Phòng Y tế thì lại được “đùn đẩy” sang Trung tâm y tế dự phòng, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hương Sơn… nên cuối cùng đến hết ngày, chúng tôi vẫn chưa tìm ra cơ quan chức năng nào trả lời được vấn đề ATTP nêu trên?!
Về vấn đề thực phẩm 'bẩn' này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh. Ông Tâm cho biết: "Thực trạng nói trên đều xảy ra hầu khắp trên 64 tỉnh thành trong cả nước chứ không chỉ riêng Hà Tĩnh. Đến nay, chúng ta vẫn chưa có các loại máy móc thiết bị hiện đại để phát hiện ra độc chất trong thực phẩm. Ở trong tỉnh Hà Tĩnh, máy móc cũng chỉ phát hiện được một số chất cơ bản, nên cả 2 trường hợp thịt lợn ninh 2 tiếng đồng hồ vẫn đỏ máu và ghẹ nấu lên có dịch nhầy, cũng như các trường hợp khác khó phát hiện được độc tố. Vấn đề này phải chờ các cấp cao hơn như Bộ Y tế hay Cục ATTP có phương án".
Ông Tâm nhắn nhủ thêm: "Trong lúc chưa có giải pháp cho vấn đề ATTP trên thị trường thì người dân phải là những người tiêu dùng thông thái, biết chọn lựa những loại thức ăn an toàn cho bữa cơm của gia đình mình”.
0 nhận xét:
Post a Comment